Trang chủ / Tin tức
Thông tin được quan tâm nhất

NHIỀU MẶT HÀNG THỦY SẢN XUẤT KHẨU BẬT TĂNG

 

     Kim ngạch XK thủy sản trong quý I/2021 đạt khoảng 1,64 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020. Góp phần vào kết quả này là do nhiều mặt hàng XK chủ lực tăng trưởng nhanh tại nhiều thị trường.

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty CP Thực phẩm Sao Ta
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty CP Thực phẩm Sao Ta

     Triển vọng từ hai mặt hàng chủ lực

     Hai mặt hàng thủy sản XK chủ lực của Việt Nam là tôm và cá tra đã bật tăng trong tháng 3/2021. Cụ thể, XK tôm sau khi tăng 16% trong tháng 1, đã giảm 19% trong tháng 2, sang tháng 3 hồi phục với mức tăng khoảng 10%, đạt khoảng 270 triệu USD và tính đến hết quý 1, XK tôm ước đạt 646 triệu USD, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm 2020. XK tôm sang Mỹ, EU, Trung Quốc và một số thị trường đều giảm so với cùng kỳ, trừ một số nước thành viên CPTPP có xu hướng tăng nhập khẩu tôm cũng như các mặt hàng thủy sản khác của Việt Nam.

     Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, trong quý 1, tôm chế biến XK của đơn vị đạt 3.688 tấn, tăng 32% so với cùng kỳ. Tôm thành phẩm tiêu thụ chung 3.850 tấn, bằng 135% cùng kỳ năm trước. Doanh số chung 42,3 triệu USD (trong đó nông sản 1,6 triệu USD), bằng 135% cùng kỳ năm trước.

     Cũng theo ông Lực, một tồn tại đang tác động đến lợi nhuận của doanh nghệp, đó là chi phí vận chuyển quốc tế chưa cải thiện và đang ở mức quá cao so với bình thường. Mặt khác, tác hại từ Covid-19 khiến một số chi phí đầu vào có nguồn gốc nhập khẩu cũng tăng khá mạnh, như: chi phí bao bì giấy, bao bì nhựa, năng lượng... Tuy nhiên, công ty nỗ lực để lợi nhuận không thua kém cùng kỳ năm trước và kỳ vọng sẽ tăng tốc khi hoạt động vận chuyển thế giới từng bước trở lại bình thường.

     Tương tự tôm, XK cá tra sang Mỹ và một số thị trường CPTPP như Mexico, Australia, Canada tăng, trong khi XK mặt hàng này sang Trung Quốc sụt giảm mạnh, sang EU giảm nhẹ trong 2 tháng đầu năm. Với sự cải thiện logistics tại Trung Quốc, tình hình XK cá tra cũng như tôm sang Trung Quốc từ tháng 3 có xu hướng tích cực hơn. Do vậy, sau khi giảm 5,5% trong 2 tháng đầu năm, XK cá tra trong tháng 3 tăng trở lại với mức tăng 11% đạt 137 triệu USD. Tính đến hết quý 1, XK cá tra đạt 336 triệu USD, tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong số các mặt hàng hải sản, có mực, bạch tuộc và các loại sản phẩm liên quan đến cá biển (surimi, cá hộp, cá khô…) có tín hiệu XK tích cực.

     Dự báo XK tăng trong tháng 4

     Ngoài hai mặt hàng chủ lực nêu trên, theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc trung tâm VASEP.PRO, XK mực, bạch tuộc sang thị trường châu Âu đang hồi phục tốt, một phần nhờ ưu đãi thuế quan từ hiệp định EVFTA, trong khi XK sang Hàn Quốc giảm nhẹ. XK mực bạch tuộc 2 tháng đầu năm tăng nhẹ gần 2% và tiếp tục tăng 8% trong tháng 3 đạt 45 triệu USD, đưa kết quả XK 3 tháng đầu năm lên 112 triệu USD.

     Với kết quả bật tăng của nhiều mặt hàng XK, giá trị XK thủy sản tháng 3 ước đạt 685 triệu USD, đưa giá trị XK thủy sản 3 tháng đầu năm đạt 1,69 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 2 tháng đầu năm, chiếm 53,8% tổng giá trị XK thủy sản. Trong 2 tháng đầu năm, giá trị XK thủy sản tăng tại hầu hết các thị trường, trong đó thị trường có giá trị tăng mạnh nhất là Nga (+44,6%). Kim ngạch XK thủy sản trong quý 1 ước đạt 1,64 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020.

     Theo bà Lê Hằng, trong 2 tháng đầu năm, hoạt động XK thủy sản của Việt Nam bị ảnh hưởng đáng kể bởi các chi phí sản xuất tăng và tình trạng thiếu tàu, thiếu container và cước phí vận tải lên cao vọt, đặc biệt là cước tàu đi Mỹ và EU. Trong khi đó, vấn đề logistics khó khăn cũng làm tắc nghẽn tại các cảng nhập khẩu chính của Trung Quốc, cùng với việc thị trường này siết chặt kiểm tra, kiểm soát virus corona đối với hàng thủy sản nhập khẩu càng làm cho XK thủy sản thêm khó khăn. Tình hình tại thị trường Trung Quốc có xu hướng cải thiện hơn từ giữa tháng 3, do vậy, XK thủy sản trong tháng 3 có kết quả khả quan hơn.

     Sau khi giảm 10% ở hầu hết các thị trường trong 2 tháng đầu năm, trong tháng 3, XK cá ngừ tăng 5% đạt 55 triệu USD, đưa kết quả 3 tháng đầu năm lên 140 triệu USD, giảm 11% so với quý 1. Dịch Covid-19 vẫn nghiêm trọng ở nhiều thị trường truyền thống của Việt Nam, làm giảm nhu cầu một số sản phẩm thủy sản chủ lực nhưng đồng thời là cơ hội cho các dòng sản phẩm có thời hạn bảo quản lâu, giá phù hợp với xu hướng sụt giảm thu nhập và suy giảm kinh tế ở các nước. Do vậy, XK các sản phẩm thủy sản thuộc phân khúc hàng khô, đồ hộp, chả cá, surimi có chiều hướng gia tăng, góp phần cho bức tranh XK thủy sản quý 1 và những quý tiếp theo sáng sủa, lạc quan hơn. Dự báo, XK thủy sản sang Trung Quốc tháng 4 và những tháng tới sẽ hồi phục mạnh hơn, khi nước này dần giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thương tại các cảng biển và nới lỏng các thủ tục kiểm soát Covid-19 đối với thủy sản nhập khẩu, nhất là thủy sản đông lạnh. XK tôm và cá tra sang Trung Quốc sẽ tăng trưởng trở lại.

     Bên cạnh đó, thị trường Mỹ sẽ vẫn tác động tích cực đến kết quả XK thủy sản của Việt Nam trong những tháng tới, duy trì tăng trưởng dương khả quan như trong năm 2020 và những tháng đầu năm. Tuy nhiên, xuất tôm sang thị trường này có thể không duy trì được tăng trưởng mạnh như năm qua, nhưng XK cá tra đang có chiều hướng tốt hơn. Tuy nhiên, vấn đề cước phí vận tải đi châu Âu và Mỹ cao sẽ tiếp tục chi phối XK thủy sản sang những thị trường này. Do vậy, XK sang EU nhìn chung chưa thể hồi phục ngay trong tháng tới.

     Từ thực trạng thị trường hiện nay, chuyên gia VASEP dự báo, XK thủy sản Việt Nam trong tháng 4 dự báo sẽ tăng khoảng 10% đạt 680 triệu USD, đưa tổng XK thủy sản 4 tháng đầu năm 2021 lên 2,32 tỷ USD, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm 2020.

Nguồn: Báo Hải Quan

Hãy liên hệ với chúng tôi
Để được tư vấn miễn phí, báo giá nhanh và HÃY ĐẶT BOOKING ONLINE để nhận được nhiều ưu đãi hấp dẫn.
Chứng chỉ
Chứng nhận
Facebook Youtube Email Back to top

Hotline