Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hơn 400 tỷ USD hiện nay và còn tăng, nền kinh tế cũng đang tăng trưởng khá, không gian phát triển ngành logistics nước ta còn rất lớn. Điều này mở ra cơ hội thu hút nguồn vốn tư nhân trong nước để đầu tư kết cấu hạ tầng logistics.
Cộng đồng DN Việt Nam đang phải sử dụng dịch vụ logistics với những chi phí rất cao.
Tiềm năng và thách thức
Thống kê mới đây của Hiệp hội DN logistics Việt Nam cho thấy, cả nước hiện có khoảng hơn 1.300 DN logistics đang hoạt động, hầu hết là những DN nhỏ và vừa. Các đơn vị logistic lớn được kể đến như: Công ty Transimex Saigon, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Gemadept, Vietrans, Vietfracht…
Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong ASEAN sau Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a và Thái-lan. Dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện có quy mô khoảng 20-22 tỷ USD/năm, chiếm hơn 20% GDP của cả nước, lớn hơn nhiều ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Với tốc độ phát triển hằng năm đạt từ 16-20%, logistic là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam trong thời gian qua.
Tuy nhiên hiện nay, cộng đồng DN Việt Nam đang phải sử dụng dịch vụ logistics với những chi phí rất cao. Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB)-ông Ousmane Dione phân tích, tính theo tỷ trọng GDP, chi phí logistics của Việt Nam là 18%, cao gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu 14%. Chính điều này đang kéo giảm sức cạnh tranh của DN và đồng thời hạn chế sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), điểm yếu của các Doanh nghiệp logistics Việt Nam là chi phí dịch vụ chưa cạnh tranh tốt, chất lượng cung cấp một số dịch vụ chưa cao. Điều này xuất phát chủ yếu từ việc các Doanh nghiệp hạn chế về quy mô, vốn, kinh nghiệm, trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực.
Trong tổng chi phí logistics hiện nay liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải chiếm khoảng 59-60%. Chi phí logistic của Việt Nam hiện đang là một trong những rào cản lớn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nhu cầu bức thiết hiện nay là cần nhanh chóng có biện pháp giảm chi phí này, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Tháo gỡ khó khăn để phát triển
Mặc dù Việt Nam có những nỗ lực lớn trong đầu tư công vào hệ thống giao thông, song hạ tầng giao thông, cảng biển, loại hình phương tiện chuyên chở… có liên quan đến thương mại chưa bắt kịp được với mức độ tăng trưởng xuất khẩu và sự gia tăng nhanh chóng về lưu lượng hàng hóa.
Theo ông Ousmane Dione, đầu tư hạ tầng của Việt Nam vẫn chưa đồng bộ, tập trung chủ yếu vào đường bộ hơn là các loại hình vận tải đa phương thức khác. Việt Nam nên thay đổi việc phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư công để chuyển dịch sang khu vực tư nhân. Cần thiết lập sự ưu tiên rõ ràng cho việc đầu tư thiết yếu, đó mới chính là chìa khóa để có hệ thống kết nối tốt hơn, tạo đà cho phát triển ngành logistics
Trên cơ sở đó, mới đây Chính phủ có ý kiến chỉ đạo về việc xây dựng dự án Trung tâm logistics Cái Mép hạ và dự án cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Theo đó, đối với dự án đầu tư xây dựng Trung tâm logistics Cái Mép Hạ, Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hướng dẫn Công ty CP xuất, nhập khẩu tổng hợp Hà Nội-Tập đoàn Geleximco về thủ tục đầu tư, thuê đất, giao đất và thực hiện đầu tư xây dựng theo đúng quy định của pháp luật để sớm triển khai một trung tâm logistics đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam.
Chủ trương khai thác Dự án cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ (2.000m cầu tàu cho tàu 200 nghìn DWT, 100 ha bãi) nhằm để kết nối và thực hiện tốt nhiệm vụ kinh tế gắn với phát triển hiệu quả logistic. Dự án này có tổng diện tích 1.200 ha với tổng số vốn đầu tư dự kiến khoảng 40.000 tỷ đồng.
Đại diện Lãnh đạo Tập đoàn Geleximco cho biết: “Thực hiện chủ trương của Chính Phủ về quy hoạch và phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, Tập đoàn Geleximco sẽ tiến hành nghiên cứu, khảo sát và phát triển dự án cảng nước sâu Cái Mép tại huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu - cảng nước sâu đầu tiên tại Việt Nam với hiệu quả kinh tế cao, đóng góp cho sự phát triển của tỉnh”
Theo đó, Geleximco sẽ phát huy tối đa các lợi thế sẵn có để đầu tư phát triển hạ tầng cảng biển hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế; Hợp tác phát triển và đầu tư mới hệ thống logistics trong nước nhằm phục vụ hoạt động dịch vụ, thương mại. Không chỉ mang lại hàng nghìn việc làm cho người lao động địa phương, xã hội hóa phát triển logistic sẽ góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, kinh doanh đẩy mạnh chất lượng dịch vụ; hướng đến xây dựng hệ thống cảng biển với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, dịch vụ vận tải, logistics chuyên nghiệp, hiện đại trên quy mô cả nước.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhất là với sự được đầu tư bài bản của DN trong nước như Geleximco và chính sách ưu đãi đầu tư hợp lý của địa phương; cụm cảng Cái Mép Hạ hứa hẹn sẽ là địa điểm tập kết hàng hoá XNK cũng như phát triển mạnh các dịch vụ hàng hải và logistic của cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Geleximco hiện là một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành hàng đầu Việt Nam, hiện đã tham gia đầu tư các lĩnh vực đầu tư phục vụ an sinh xã hội như sản xuất công nghiệp, hạ tầng bất động sản, tài chính ngân hàng, đào tạo và công nghệ thông tin...
Hotline